Bệnh thủy đậu
Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm do virus Varicella zoster gây ra và thường bùng phát thành dịch vào mùa xuân . Bệnh rất dễ lây và thường có các triệu chứng chóng mặt, sốt nhẹ, khắp người nổi mụn. Khi đã mắc thủy đậu, cần cách ly ít nhất 5 - 7 ngày bởi dịch thường xảy ra trong nhóm thân cận gia đình, trường học.
Hiện tại, vắc-xin phòng bệnh thủy đậu đã có tại trung tâm y tế dự phòng, các địa điểm tiêm chủng. Loại vắc-xin này hầu như không có tác hại phụ; khoảng 5% sốt nhẹ sau khi tiêm, có tác dụng miễn dịch lâu dài.
Bệnh thuỷ đậu là gì?
Bệnh thủy đậu do một loại siêu vi mang tên Varicella Zoster Virus (VZV) gây nên, thủy đậu là một bệnh rất dễ lây truyền. Khi 1 người mang siêu vi thủy đậu nói, hắt hơi (nhảy mũi) hoặc ho... thì các siêu vi đó theo nước bọt, nước mũi bắn ra ngoài tan thành bụi. Người khác hít phải bụi đó sẽ lây bệnh ngay. bệnh xảy ra phần nhiều ở trẻ em, nhưng cũng không ít người lớn mắc bệnh này. Thông thường, từ lúc nhiễm phải siêu vi, đến lúc phát ra bệnh - được gọi là thời gian nung bệnh hoặc ủ bệnh - là khoảng 2 -3 tuần.
Triệu chứng
Về triệu chứng, thoạt mở đầu người bệnh có sốt, thường là sốt nhẹ, trong một vài ngày. Sau đó, sẽ thấy nổi lên trên da những vết dát đỏ; chỉ sau đó 1-2 ngày, xuất hiện các mụn bóng nước giữa các nến đỏ đó. Những mụn bóng nước này thường mọc ở thân mình, sau đó lan lên mặt và tay chân. Mụn bóng nước lúc đầu chứa một chất dịch trong, nhưng chỉ sau khoảng 1 ngày dịch đó trở nên đục như mủ. Sau 2-3 ngày nữa, các mụn sẽ đóng vẩy. Các vẩy đó sẽ rụng dần và nếu không có biến chứng gì thì sẽ không để lại sẹo.
Đặc điểm của các mụn nước đó là chúng mọc làm nhiều đợt khác nhau. Do đó, cùng trên 1 vùng da, có thể thấy nhiều dạng khác nhau: hoặc dát đỏ, hoặc mụn nước trong, mụn nước đục, mụn đóng vẩy... trong cùng 1 thời gian. Nếu không có biến chứng, bệnh có thể khỏi sau 1-2 tuần. Cũng do thời gian tiến triển của bệnh tương đối ngắn, nên một số người đã cho thủy đậu là một bệnh nhẹ, hoàn toàn không nguy hiểm.
Biến chứng
Sự thật thủy đậu không phải là bệnh nhẹ. Vì thủy đậu nói chung, tuy không có vẻ nguy kịch như một số bệnh nặng khác, nhưng cũng đã không ít lần gây biến chứng nguy hiểm cho người bệnh, nhất là cho các trẻ nhỏ. Một số biến chứng đã được ghi nhận được trên các trẻ bị thủy đậu đã tới khám bệnh và điều trị tại các cơ sở y tế. Cụ thể, một số trẻ đã bị xuất huyết ở các mụn thủy đậu, bệnh trở thành một thể "thủy đậu xuất huyết" rất trầm trọng. Một số trẻ khác bị bội nhiễm thêm các vi khuẩn khác. Các vi khuẩn này vào các mụn thủy đậu, làm sưng to lên, nhiều khi lại gây ngứa. Trẻ không chịu được, gãi toác da, và từ đó để lại những vết sẹo rất xấu. Điều này đã làm khổ tâm nhiều em gái. Trong một số trường hợp, các vi khuẩn nói trên, từ các mụn thủy đậu lại xâm nhập ồ ạt vào máu, gây ra nhiều bệnh ở cơ quan khác, như viêm thận, viêm gan v.v... Riêng chứng "nhiễm khuẩn huyết" mà chúng gây nên cũng đã là nguy hiểm chết người.
Chứng viêm phổi do thủy đậu, ít khi xảy ra hơn, nhưng rất nặng và rất khó trị. Chứng viêm não do thủy đậu cũng vẫn xảy ra, không hiếm: sau thủy đậu trẻ bỗng trở nên vật vã, quờ quạng chân tay, nhiều khi kèm theo co giật (làm kinh), hôn mê. Những trường hợp này có thể gây chết người nhanh chóng, và một số trẻ tuy qua khỏi được vẫn mang di chứng thần kinh lâu dài: bị điếc, bị khờ, bị động kinh v.v...
Cách xử lý
Trước hết, bạn hãy cho người bệnh đi khám bệnh ngay. BS sẽ khám và căn cứ vào tình trạng bệnh, sẽ cho vào viện điều trị nội trú hoặc cấp đơn về điều trị tại nhà, có theo dõi, hẹn ngày tái khám. Chớ bao giờ tự ý dùng thuốc hoặc nghe lời mách bảo của một số người không hiểu biết về y khoa mà dùng thuốc sai lầm. Đã có không ít những trẻ bị thủy đậu bội nhiễm rất nặng, do đã đắp các loại lá, hoặc rắc các thuốc bột bán trôi nổi tại các góc chợ, vỉa hè. Lại có trẻ được gia đình cho uống thuốc "đề xa" (1 loại corticoid) thật là nguy hiểm, thuốc đó sẽ làm bệnh nặng lên rất nhanh!
Nếu người bệnh được bác sĩ cho điều trị ngoại trú tại nhà, hãy cho nằm nghỉ trong 1 phòng thoáng mát, sạch sẽ, ăn các chất dễ tiêu.
Có thể dùng một số thuốc chống ngứa và an thần (như Sirô phenergan), cố tránh gãi. Cắt ngắn móng tay. Mặc quần áo dài để che kín các nốt thủy đậu, tránh để ruồi muỗi đậu vào.
Dùng thêm kháng sinh, nếu có chỉ định của BS.